Sau vụ án xảy ra với người tài xế taxi xấu số tại Mỹ Đình, giới lái xe tại Hà Nội đang đua nhau tìm cách làm khung bảo vệ để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Tuy nhiên, làm thế nào và liệu có đảm bảo an toàn, có bị CSGT phạt hay không… vẫn là câu hỏi nhiều người thắc mắc.
Không phải là điều gì mới
Trên thế giới, việc lái xe taxi có khung bảo vệ cứng trên xe, ngăn ngừa các vụ cướp không còn là điều gì mới mẻ; hình ảnh các bác tài được khung mi-ca hay thậm chí bằng kim loại cứng bảo vệ là hình ảnh không quá lạ lẫm đối với ngừoi dân của nhiều nước trên thế giới.
Nếu như tại Úc và Hàn quốc…, chính quyền các nước này cho phép tài xế taxi được phép gắn khung bảo vệ bằng mi-ca trong suốt phía sau người lái (có thể có hoặc khoan lỗ tạo thuận tiện cho việc giao tiếp) thì tại nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc lại xuất hiện các loại khung bảo vệ bằng kim loại như inox, lưới mắt cáo, thép… để tạo khoảng cách giữa người lái và hành khách.
Trong khi đó tại New York (Mỹ), thành phố này tài trợ toàn bộ một khung làm bằng vật liệu cứng và mi-ca để phòng nạn cướp taxi vốn khá phổ biến trước đây. Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này, ngoài việc cho phép gắn khung bảo vệ còn bắt buộc taxi phải gắn thêm camera và GPS để cảnh sát có thể giám sát an ninh cũng như sử dụng truy tìm thông tin trong những tình huống cần thiết (cướp giật, khủng bố…).
Dù bằng bất kì hình thức nào, nhưng các biện pháp gắn khung cứng bảo vệ hay lắp đặt thêm các thiết bị giám sát đều được thực hiện bởi người sử dụng xe, trong khi các thiết bị này đều không có trong thiết kế, chế tạo xe từ nhà máy.
Vậy lắp thêm khung cứng trong xe có bị xử phạt?
Rõ ràng việc lắp thêm khung bảo vệ tài xế taxi và vận tải hành khách là có tác dụng và trước Việt Nam đã có nhiều nước phát triển trên thế giới thực hiện việc này. Tuy nhiên, với những quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam, liệu việc làm này (lắp thêm khung bảo vệ) có bị Cảnh sát giao thông xử phạt, hay bị Đăng kiểm từ chối giám định?
Thông tin chính thức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam; Không chấp nhận đăng kiểm cho các phương tiện thay đổi kết cấu (thùng hàng, kích thước), tác động vào hệ thống an toàn/phanh và hệ thống điện. Tuy nhiên, việc lắp khoang chắn bảo vệ tài xế taxi là góc độ an ninh nên Cục này sẽ nghiên cứu thêm.
Trong khi đó, trên thực tế việc lắp thêm khung cứng bảo vệ tài xế hoàn toàn không phải là việc Cải tạo Xe (quy định tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT), khi mà việc này không làm thay đổi kết cấu xe, không làm thay đổi hình dáng, cách bố trí hay nguyên lý làm việc của xe, cũng như không tác động vào thông số của nhà sản xuất hay đặc tính kỹ thuật của một trong 7 hệ thống hay trong 4 tổng thành của xe, bao gồm:
Hệ thống: truyền lực, chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện. Tổng thành là: khung, buồng lái (thân xe hoặc thùng xe), khoang chở khách, thiết bị chuyên dùng lắp trên xe.
Chính vì vậy, việc lắp khung cứng bảo vệ người lái sẽ không bị CSGT xử phạt về việc cải tạo, thay đổi kích thước xe (như các trường hợp lắp thêm cản trước/sau…), thay đổi hình dáng xe hay lắm thêm các thiết bị hỗ trợ (đèn, còi…) không đúng thiết kế của nhà sản xuất (đã đăng kí với cơ quản đăng kiểm).
Vậy là tài xế cứ vô tư lắp khung cứng?
Có thêm khung cứng bảo về tài xế taxi là cách đảm bảo an toàn cho người lái xe trong hoàn cảnh xã hội ngày càng có thêm các loại tội phạm mới, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Tuy nhiên muốn lắp thêm khung cứng để bảo vệ chính mình, tài xế cũng cần phải lưu ý đến các yếu tố sau.
Thứ nhất là tính tiện dụng và an toàn; chưa cần để bảo vệ trong trường hợp xảy ra cướp bóc, việc lắp thêm khung cứng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến quá trình lái xe như đánh lái, đạp phanh, điều khiền các phím chức năng… và dặc biệt là không ảnh hưởng tầm quan sát của lái xe khi quan sát các phương tiện khác, gương chiếu hậu… Ngoài ra, khung này không làm ảnh hưởng việc thay đổi vị trí của ghế lái (trường hợp nhiều người cùng lái một xe)
Tiếp theo đó, việc lắp thêm khung bảo vệ phải đảm bảo không thay đổi kết cấu thân xe; cắt, khoan, đục bởi kết cấu thân xe được các nhà sản xuất phải tính toán đến các yếu tố chịu lực, tán lực khi xảy ra va chạm. Việc tác động vào thân sẽ làm suy yếu hoặc làm mất đi khả năng này, tăng thêm nguy cơ gặp nguy hiểm cho người ngồi trong xe.
Khung cứng bảo vệ nhưng cũng làm tăng nguy cơ chấn thương cho người lái khi xảy ra tai nạn hoặc có thể dẫn tới các trường hợp khó giải cứu người trong xe trong các trường hợp rơi xuống sông/hồ hay phải đưa người ra khỏi khoang lái đi cấp cứu. Bạn nên nhớ, các mảnh vỡ của bơm túi khí gây nguy hiểm cho người lái đã khiến hãng túi khí lớn nhất thế giới Takata phải phá sản, trong khi điều gì có thể đảm bảo các mảnh vỡ của mi-ca, sắt thép không đâm vào người lái khi có tai nạn? Và trên thực tế, ngay cả cơ quan chuyên trách là Cục Đăng Kiểm cũng không thể kiểm chứng được trường hợp này khi không có đủ thiết bị cũng như việc các nhà sản xuất không hỗ trợ cho việc này (lắp thêm khung cứng) bằng các thí nghiệm va chạm.
Ngoài ra khi lắp thêm khung cứng trong xe, cũng nên tham khảo với cơ quan bảo hiểm nếu như bạn không muốn vi phạm và mất đi quyền lợi của mình khi xảy ra tại nạn.
Có nhiều cách để bảo vệ người lái taxi trong các trường hợp không may xảy ra cướp bóc, lắp thêm khung cứng cũng chỉ là một trong rất nhiều cách để thực hiện, tuy nhiên cũng còn khá nhiều cách thức phù hợp mà không mang tới nhiều phiền nhiễu như việc này; Hãy gắn thêm camera bên trong xe và có thêm cả GPS cùng thông báo để hành khách được biết, đó là cách mà các tài xế taxi tại Thái Lan đang sử dụng khá hữu hiệu.
“Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) – cho biết việc lắp thêm vách ngăn để bảo vệ tài xế taxi trong quá trình lái xe chở khách là điều cần thiết. Tới đây cục Đăng kiểm cũng muốn nghiên cứu và đề xuất tới các cấp có thẩm quyền để sửa đổi các quy định và ban hành văn bản pháp luật yêu cầu các hãng taxi phải lắp vách ngăn chống cướp cho toàn bộ xe để bảo vệ tài xế.”